Khám phá chốn linh thiêng - Chùa Vạn Phúc

Chứng kiến bao thăng trầm lịch sử dân tộc Việt Nam, chùa Vạn Phúc vẫn giữ được nguyên ý nghĩa linh thiêng dẫu kiến trúc từng thay đổi. Hãy đến với chùa Vạn Phúc, hoà vào không gian chốn thiền môn này cùng công nghệ VR360 PLUS để hiểu sử Việt, hiểu đời và hiểu mình hơn. 

1, Vị trí 

Chùa Vạn Phúc còn được gọi là chùa Vạn Tích, thuộc làng Phù Lỗ Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía Bắc. Tổng diện tích của chùa đạt hơn 10.000 m2, tọa lạc trên thế đất “Thanh Long ngậm thủy” thuộc dải địa lý “Hồi sơn cố Tổ” (quay nhìn về quê cha đất Tổ).

2, Lịch sử hình thành 

Chùa Vạn Phúc đã từng chứng kiến những sự tích lịch sử vẻ vang của dân tộc. Tương truyền rằng từ thế kỷ thứ VI, triều đình của Nhà nước Vạn xuân đã từng đặt chùa trên đất Vạn Phúc, còn lưu vết tích là ở đầm Vạn Xuân. Theo hồ sơ "Di tích lịch sử văn hoá cụm đình chùa Vạn Phúc", chùa được xây dựng cuối thời nhà Lý, đầu thời nhà Trần. Nơi đây đã bao bọc nghĩa quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ nhất. Sang thời kỳ cách mạng chống Pháp, chùa tiếp tục là nơi trú ẩn của nhiều chiến sĩ cách mạng trung kiên. Trải qua bao biến cố, chùa bị tàn phá nhiều và đã bị quân đội Pháp đốt cháy hoàn toàn vào năm 1947. Đến năm 1997, chùa được khởi công, xây dựng lại trên nền ngôi chùa cũ. Công trình xây mới vẫn lưu giữ nhiều nét kiến trúc truyền thống, vừa uy nghi tráng lệ, vừa hài hòa, xanh mát bên bờ dòng sông Cà Lồ.

3, Vẻ đẹp ẩn sâu trong kiến trúc cổ linh thiêng 

Ngôi chùa có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi. Các nền hình chữ nhật dài khoảng 60m, rộng khoảng 33m, mặt ngoài bố trí các tảng đá hình khối hộp chữ nhật. Sau sân nền có 32 ngọn tháp xây bằng gạch và đá. Trông từ xa, có thể thấy đỉnh tháp uy nghi. Chân tháp có hình vuông, với kích thước 9,1m x 9,1m, tường tháp mỗi cạnh dày trung bình 2,4m, lòng tháp rộng 82,81m2, được xây bằng gạch thời Lý. Những viên gạch có đề chữ: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (Vua thứ ba đời Lý, năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 xây dựng).

Du khách có thể dễ dàng tiếp cận khuôn viên trong chùa bởi có khá nhiều lối vào. Chùa thiết kế 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị Tam thế Phật, 8 gian nhà tổ và 7 gian nhà thờ thánh Mẫu. Chúng hợp thành các khu, tạo nên kết cấu kiến trúc tam bảo có dạng chữ đinh gồm: tiền đường, tòa thiên hương, tòa thượng điện. 

Đặc biệt, nét đẹp cổ kính in dấu qua những tác phẩm điêu khắc ấn tượng. Khách tham quan dễ dàng tìm về sự hoài niệm, sự bình an trong tâm, một cảm giác rất xưa. Ngay ở bậc thềm thứ hai, có 10 tượng thú bằng đá cao 10 m, gồm sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa, mỗi loại hai con, nằm trên bệ hoa sen tạc liền bằng những khối đá lớn. 

Huyền diệu nhất là pho tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh ngồi thiền định trên tòa sen. Trên bệ và trong những cánh sen, tạc những hình rồng và hoa lá, một nét đặc trưng của mỹ thuật thời Lý.

Ngoài ra còn những di vật thời Lý khác như quả chuông đồng cao 1,25 mét, đường kính 0,8 mét; đá ốp tường, đấu kê...được chạm khắc các hình Kim Cương, Hộ pháp, thần điểu….Nhà chùa còn bố trí đan xen những mành tre, cột gỗ, bảng gỗ dọc các lối đi, vách nhà, hiên chùa. Điểm thêm là những chậu hoa phong lan, hoa dân dã, hoa leo bao bọc quanh các ngôi nhà gỗ bên các hòn non bộ nhỏ nhắn, xinh xinh...Dù là Phật tử hay du khách khi tới tham quan, chiêm bái luôn thấy an lành. 

Mời bạn khám phá chốn thiền môn qua công nghệ VR360 PLUS để chiêm ngưỡng kiến trúc cổ thiêng liêng tại đây



VR360PLUS - Xem Dự Án 360° Mới Nhất Tại Đây !


Scroll to top