Công nghệ - ''thỏi nam châm'' hút khách đến bảo tàng

(HNMCT) - Số hóa, hay ứng dụng công nghệ số trong hoạt động trưng bày bảo tàng, đang là xu hướng phổ biến của các bảo tàng trên thế giới và Việt Nam. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó có bảo tàng - vốn bị coi là chậm đổi mới nhất. Thực tế cho thấy, công nghệ chính là “thỏi nam châm” hút khách đến với bảo tàng một cách hiệu quả.


Trao đổi cách ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc trưng bày tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm

Những bảo tàng thông minh

Trước đây, nói đến tham quan bảo tàng, nhiều người thường cảm thấy ngần ngại bởi sự khô cứng của các hiện vật hay không gian trưng bày thiếu sự hấp dẫn, thì nay, bảo tàng ngày càng trở thành thiết chế văn hóa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Sự ra đời của hệ thống bảo tàng tư nhân cùng những nỗ lực thay đổi, gia tăng trải nghiệm, tương tác với khách tham quan hay ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động trưng bày tại các bảo tàng lớn đã khiến công chúng không còn thờ ơ với bảo tàng. Đấy chính là thước đo chất lượng hoạt động của các bảo tàng nói chung.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều bảo tàng đã “lột xác”, trở thành các bảo tàng thông minh với mục tiêu thu hút đông đảo khách tham quan. Nếu như vài năm trước, công nghệ thuyết minh tự động (audio guide) còn khá mới mẻ với nhiều du khách, thì nay, không ít bảo tàng đã mạnh dạn đưa các công nghệ tiên tiến vào hoạt động trưng bày như công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ lưu trữ điện toán đám mây... nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong hoạt động trưng bày từ nhiều năm trước. Không chỉ giới thiệu đến công chúng những trải nghiệm thú vị, công nghệ này còn có khả năng lưu trữ lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu ngay cả khi trưng bày đã kết thúc. Truy cập vào trang web của bảo tàng, du khách có thể tham quan, tìm hiểu hiện vật trên nền tảng 3D bằng cách sử dụng mũi tên trên màn hình để di chuyển, vừa ngắm các hiện vật trưng bày, vừa lắng nghe giọng thuyết minh truyền cảm của hướng dẫn viên ảo. Nếu có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn các chủ đề khác, du khách có thể truy cập vào phần Tra cứu thông tin hoặc Tương tác với nhà sử học. Ngay lập tức, một nhà sử học uy tín “xuất hiện” ngay trước mắt và cung cấp cho du khách thông tin về các hiện vật, hình ảnh, tư liệu.


Trưng bày 3D trên trang web của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh chụp màn hình

Khó có thể hình dung, những dấu tích khảo cổ học lại có thể “kể chuyện”, tái lập hình ảnh về lầu son gác tía tại Hoàng thành Thăng Long cách đây hàng nghìn năm. Vậy mà, sau nhiều năm nghiên cứu với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ hiện đại, các cán bộ của Viện Nghiên cứu Kinh thành đã thành công trong việc biến tầng hầm Nhà Quốc hội trở thành một bảo tàng hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Tại đây, thông qua những hiện vật, dấu vết khảo cổ học được trình chiếu cùng các công nghệ 3D, mapping, media, hologram, đồ họa và âm thanh, ánh sáng hiện đại, các nhà khoa học đã diễn giải, giúp khách tham quan tiếp cận và hiểu rõ hơn về lịch sử của Kinh đô Thăng Long, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Cho đến nay, dự án này vẫn được các nhà khoa học, giới nghiên cứu và bảo tàng học đánh giá là một hình mẫu mới về bảo tàng đạt chuẩn quốc tế, có tính khoa học và nghệ thuật cao ở Việt Nam.

Từ trước đến nay, hiện vật vốn được coi là linh hồn, là cái lõi của bảo tàng. Thế nhưng, trong xu thế hiện đại, điều ấy chưa hẳn đúng. Bảo tàng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel được giới chuyên môn đánh giá là bảo tàng hiện đại nhất và là bảo tàng duy nhất không có hiện vật. Mặc dù vậy, du khách vẫn có thể tìm hiểu truyền thống, lịch sử hình thành, phát triển của tập đoàn này nhờ trợ lý - hướng dẫn viên ảo và công nghệ tương tác không chạm cùng các hiện vật đã được số hóa 3D... Chính công nghệ hiện đại cùng sự đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản trưng bày đã khiến Bảo tàng Viettel gây ấn tượng mạnh mẽ với khách tham quan dù không có hiện vật.

Nhân lực - trụ cột quan trọng nhất của bảo tàng

Bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, là nơi lưu giữ các tư liệu, hiện vật, góp phần tích cực trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc. Trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6-5-2009, nhiệm vụ ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa đã được đề cập cụ thể: “Ứng dụng một cách hợp lý và có hiệu quả các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trong trưng bày và bảo quản tài liệu, hiện vật bảo tàng; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và thông tin tư liệu bảo tàng; nối mạng các bảo tàng từ Trung ương đến địa phương. Chú trọng tính khoa học, tính hệ thống trong việc xây dựng “ngân hàng dữ liệu” về tài liệu, hiện vật bảo tàng...”.


“Tương tác với nhà sử học” trên trang web của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh chụp màn hình

Đánh giá cao vai trò, hiệu quả mà công nghệ mang lại cho hoạt động bảo tàng nói riêng và bảo tồn di sản văn hóa nói chung, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng: Ứng dụng khoa học - công nghệ có thể tạo ra tác động tích cực đến việc bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của di sản văn hóa; làm tăng tính hấp dẫn, khuyến khích du khách đến với bảo tàng và phối hợp với ngành Du lịch đem lại lợi ích về kinh tế.

Không những thế, việc ứng dụng công nghệ vào công tác truyền thông hiện đại trên không gian mạng còn góp phần chuyển tải thông tin từ bảo tàng, di tích đến với du khách một cách nhanh nhất và góp phần lưu giữ di sản văn hóa cho thế hệ mai sau. “Công nghệ hiện đại giúp bảo tàng hình thành những giá trị mới cho các thiết chế di sản văn hóa thông qua các sản phẩm số, từ đó đem đến lợi ích kinh tế nhằm tái đầu tư cho công tác bảo tồn di sản văn hóa” - PGS.TS Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Không phủ nhận những giá trị, hiệu quả mà khoa học công nghệ mang lại cho bảo tàng, nhưng theo các nhà nghiên cứu, không thể đầu tư cho công nghệ mà quên đi yếu tố chính làm nên sự hấp dẫn của bảo tàng là hiện vật và nội dung. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên: “Công nghệ là một trong ba trụ cột chính tạo nên một bảo tàng hiện đại, bên cạnh hai trụ cột còn lại là khoa học và nghệ thuật. Khoa học là những người giám tuyển, chịu trách nhiệm toàn bộ từ sưu tầm hiện vật cho đến nội dung và cuối cùng là xây dựng ý tưởng kịch bản trưng bày. Nghệ thuật ở đây chính là việc thiết kế nội thất, lộ trình tham quan, ánh sáng, màu sắc cho phù hợp với nội dung trưng bày. Đây là ba trụ cột chính làm nên sức hút cho bảo tàng. Tuy nhiên, để duy trì tốt ba trụ cột này, cần phải có trụ cột thứ tư - quan trọng nhất, đó là con người”.

Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho rằng, không phải bảo tàng nào cũng có thể ứng dụng công nghệ cho các nội dung, hiện vật mà cần phải lựa chọn loại hình phù hợp; tập trung vào vai trò của công nghệ nhưng phải làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của hiện vật gốc. “Suy cho cùng, công nghệ chỉ đóng vai trò là công cụ truyền tải nội dung một cách hấp dẫn, sinh động để thu hút du khách. Nội dung nghèo nàn sẽ không thể giúp công nghệ trở nên hấp dẫn. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay, chỉ sau vài năm, những công nghệ hiện đại nhất cũng có thể bị lạc hậu, trong khi kinh phí đầu tư cho các thiết bị chuyên dụng của bảo tàng rất lớn. Vì vậy, cần phải có nguồn nhân lực chất lượng, giỏi chuyên môn để có thể vận hành kỹ thuật tốt sau khi được chuyển giao công nghệ...”, bà Hoan chia sẻ.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, bảo tàng ngày nay không chỉ là không gian riêng của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học mà còn là nơi thu hút khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế, du lịch. Bởi vậy, nếu biết cách tạo sức hấp dẫn, đây chắc chắn sẽ là “thỏi nam châm” hút khách tham quan đến với bảo tàng ngày một nhiều hơn.

NGUỒN: Hà Nội mới



VR360PLUS - Xem Dự Án 360° Mới Nhất Tại Đây !


Scroll to top